Công ước Geneva năm 1949 cấm đối xử dã man với những người không phải chiến binh, bao gồm thường dân, tù binh, và binh lính đối phương bị thương trong giao tranh. Những người đó không được phép bị ngược đãi và giết chết. Người bị thương phải được chữa chạy. Tù binh phải được sơ tán khỏi vùng chiến sự. Và xác chết của quân đối phương không được cắt xẻo.
“Bí mật chôn vùi, sự thật tàn bạo” là loạt bài điều tra được đăng tải trên nhật báo The Blade, Mỹ, từ cuối năm 2003 đến đầu năm 2004 về những tội ác tàn bạo được che giấu suốt hơn 30 năm qua, như giết hại hàng trăm dân thường không mang vũ khí cùng trẻ em, mà lực lượng đặc nhiệm có tên là Mãnh Hổ (Tiger Force) đã thực hiện suốt 7 tháng trời trong năm 1967 ở thung lũng sông Vệ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
“Bí mật chôn vùi, sự thật tàn bạo” đã đem lại cho tờ The Blade giải thưởng Pulitzer cho phóng sự điều tra xuất sắc nhất của Mỹ năm 2004.
“Đọc xong cuốn sách, tôi tin rằng tất cả những người có lương tri trên trái đất này đều không tránh khỏi rùng mình ghê tởm và nỗi uất hận sẽ còn ngấm sâu, rất sâu vào đầu óc.” (Hà Nội đầu năm 2005 – Nhà văn CHU LAI)
Lính Mỹ bất kham thả sức khủng bố tại Cao nguyên Trung phần
“Phải nói ngay rằng chúng tôi biết những lão nông ấy không hề có vũ khí,” một người nói, “nhưng chúng tôi vẫn cứ bắn họ như thường.”
Trong bảy tháng đó, các binh sĩ Mãnh Hổ đã di chuyển qua Cao nguyên Trung phần, giết hại nhiều thường dân vô tội, nhiều lần tra tấn và tùng xẻo họ, gây nên một làn sóng khủng bố ghê rợn chưa bao giờ được tiết lộ cho công chúng Mỹ biết. Họ thả lựu đạn xuống các căn hầm trú ẩn đầy đàn bà và trẻ em, biến chúng thành các mồ chôn tập thể, và bắn giết thường dân không có vũ khí, ngay cả khi nạn nhân van xin họ tha mạng. Họ thường xuyên tra tấn và bắn tù nhân, cắt tai và lột da đầu nạn nhân làm đồ lưu niệm.
Trung úy hành quyết ông già vô tội
“Ông lão ngã ngửa xuống đất, và Hawkins lại xả đạn vào ông ta. Tôi biết ông lão đã chết rồi vì cả nửa sọ đã bị vỡ toang ngay từ phát đạn đầu tiên.”
Lựu đạn nhắm vào thường dân dưới hầm trú ẩn
Không cần kêu gọi những người dưới hầm, binh lính rút chốt lựu đạn, rồi thả xuống hầm. Suốt đêm hôm đấy, binh sĩ đóng trại gần đấy còn nghe tiếng người kêu khóc vẳng lên từ những căn hầm nọ. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện cứu giúp gì hết.
Hoàn thành mục tiêu 327 tử thi
Một giọng nói qua làn sóng điện đã đưa ra cho họ mục tiêu của tiểu đoàn: chúng ta cần 327 xác chết. Con số này có ý nghĩa vì nó chính là số phiên hiệu của Trung đoàn bộ binh 327.
Hồ sơ điện đàm của bộ binh cho thấy con số đó đã đạt được: Mãnh Hổ báo các xác chết thứ 327 của họ vào ngày 19 tháng Mười một.
Số lượng người chết vẫn còn là một bí mật
Không ai biết rõ bao nhiêu thường dân vô tội đã bị Mãnh Hổ giết hại từ tháng Năm đến tháng Mười một năm 1967.
Cựu y tá Harold Fischer nhớ như in rằng hầu hết binh sĩ trong trung đội đều “bắn vào người dân một cách vô tội vạ.” Ông nói “Chúng tôi vào làng và cứ thế bắn tất. Chúng tôi không cần có lý do gì hết. Hễ ai ở đó là sẽ phải chết.”
Nhiều cựu binh Mãnh Hổ cũng nói không có biên bản nào theo dõi số người đã bị đơn vị giết chết trong thung lũng sông Vệ. Cựu Trung sĩ William Doyle, một toán trưởng trong trung đội, nói “Chúng tôi giết bất kì cái gì biết đi, bất kể là thường dân hay là không. Chúng không được có mặt ở đó.”
Mâu thuẫn trong nội bộ Mãnh Hổ?
Trung sĩ cứu mạng một thiếu niên Việt Nam: Người lính quê ở Michigan đã quay súng vào đồng đội để ngăn chặn bắn giết
Sau khi chứng kiến các binh sĩ Mãnh Hổ hành quyết một dân làng không có vũ khí, Trung sĩ Gerald Bruner đã làm một chuyện không thể tưởng tượng được. Anh nâng súng và lên tiếng: anh sẽ giết chết bất cứ ai còn có ý định bắn thường dân. Binh lính thoái lui. Vì hành động đó, anh đã bị cấp trên khiển trách và ra lệnh phải đi gặp bác sĩ tâm thần. Hành động của anh ở ngôi làng gần Chu Lai hồi tháng Tám năm 1967 cũng là lần duy nhất có chuyện một thành viên trung đội đe dọa bắn người của mình để ngăn chặn hành động tàn bạo.
Doyle nói ông đã định giết người nông dân ấy, nhưng súng của ông bị tắc, nên ông ra lệnh cho lính của mình thi hành án quyết. “Tôi đã định giết ông ta ngay lập tức, nhưng súng của tôi chỉ nổ được một phát và nó lại trúng vào cánh tay ông ta.” Doyle nói ông có biết Bruner phản đối việc giết chóc, và rất ghét viên trung sĩ này. “Đi đến đâu cũng vậy, chỉ có mỗi anh ta là người đem theo các tờ truyền đơn chiêu hồi,” ông Doyle nói. Những tờ truyền đơn này được trực thăng rải xuống làm bùa hộ mệnh cho những thường dân nào chịu hơn vào các trung tâm tái định cư. “Giống như anh ta đang làm việc cho một chương trình dân sự vậy. Đó không phải là việc của chúng tôi. Chúng tôi đến đó là để săn lùng và giết.”
Hai sĩ quan xung quanh việc xử lý thường dân: một người cố ngăn chặn tội ác chiến tranh, người kia nhận có giết hại dân thường
Trung uý Wood luôn bảo vệ quan điểm của mình rằng dân làng không phải là binh lính địch, còn cộng sự của Wood lại cho rằng không thể tin thường dân, và những ai không chịu dọn vào trại tái định cư đều có thể bị bắn bỏ.
“Họ giống như đêm với ngày – lúc nào cũng xung đột với nhau,” cựu binh William Carpenter nói. Theo ông Carpenter, Trung úy Wood là một quân nhân “quan tâm đến dân chúng” nhưng cuối cùng đã không có đủ thẩm quyền để ngăn chặn bạo lực.
Còn Hawkins nhớ rõ những khác biệt giữa mình và Wood, nhưng nói ông ta vẫn tin rằng ông ta có quyền nổ súng vào thường dân không có vũ khí. “Để tôi nói cho các anh biết, trong bất kì một cuộc chiến nào, thường dân, kể cả người vô tội, cũng bị giết. Đúng thế, tôi có thể nói rằng tôi đã thấy dân chúng, nông dân, gì đi nữa, bị giết,” Hawkins nói. Ông ta nói ông ta không sống mãi trong quá khứ và tin rằng những việc ông làm đều là đúng đắn. “Tôi không hối hận điều gì cả. Không có gì mà tôi đã biết hoặc đã thấy tận mắt mà tôi lại có thể nói là phải ân hận vì chúng.”
“Tôi chỉ tiếc một điều duy nhất là đã không giết nhiều hơn nữa. Nếu biết trước cuộc chiến sẽ kết thúc nhanh đến thế, và theo kiểu như thế, tôi nhất định đã giết thêm thật nhiều.” (William Doyle)
Có điều tra mà không có công lý
Quân đội Mỹ đã có nhiều bằng cớ của nhiều tội trạng, rồi lại bỏ nửa chừng vụ án tội ác chiến tranh Việt Nam.
Tập thể điều tra viên đã kết luận có 18 binh sĩ Mãnh Hổ phạm các tội ác chiến tranh khác nhau, từ tội giết người và hành hung đến tội làm trái nhiệm vụ. Nhưng không có ai bị truy tố.
Sớm điều tra Mãnh Hổ có thể đã ngăn chặn được vụ thảm sát Mỹ Lai
MỸ LAI, Việt Nam – Ngay trước bình minh, buổi lễ bắt đầu.
Người ta tụ tập quanh những pho tượng đá, người rì rầm cầu nguyện, người khác than khóc.
Năm nào cũng vậy, hàng trăm người Việt Nam đổ về dự buổi lễ tưởng niệm ngày mà lính Mỹ tràn vào ngôi làng bé nhỏ này trước lúc bình minh, tưởng rằng sẽ phải đối đầu với quân đối phương. Nhưng họ chỉ thấy một làng xóm thanh bình. Rồi trong bốn tiếng rưỡi đồng hồ sau đó, Lữ đoàn 11 Bộ binh Mỹ đã tiến hành một cuộc triệt phá khiến cả thiết chế quân sự Hoa Kỳ phải rúng động đến tận nền móng.
Khi cuộc triệt phá đó kết thúc, khoảng 500 người đã bị giết chết – đàn ông, đàn bà, và trẻ em, không hề có vũ khí – một số đã bị dồn xuống một hố sâu và bị bắn chết ở đó, xác chồng chất lên nhau. Người ta đã viết rất nhiều về ngày 16 tháng Ba năm 1968 ấy, khiến cho công luận Mỹ ngả hẳn về phía phản chiến.
35 năm sau, vụ Mỹ Lai lại được nhắc lại với những nét tương đồng mạnh mẽ với vụ Mãnh Hổ. Cả hai đơn vị ấy đã càn quét cùng một tỉnh. Cả hai cùng dựng trại ở cùng một căn cứ quân sự. Cả hai đều có nhiệm vụ giống nhau: tìm và diệt. Và chỉ cách nhau chừng 10 dặm đường. Nhưng có một điểm khác biệt chủ chốt. Mãnh Hổ đã đến tỉnh này trước Lữ đoàn 11 sáu tháng trời. Ngay khi đến nơi, Mãnh Hổ đã bắt đầu cắt xé tử thi, giết hại dân thường, và hành quyết tù nhân, theo như lời các binh sĩ khai với các điều tra viên.
Những hành vi tàn bạo ấy, được cảnh báo lên các cấp Quân đội Mỹ ngay trong năm 1967, bây giờ đang làm cho người ta đặt một câu hỏi quan trọng: nếu như Quân đội đã có phản ứng ngay với những lời cảnh báo kia, liệu có thể đã có những cơ hội, và điều kiện để ngăn chặn được thảm họa Mỹ Lai?
Copyright © 2003 by Toledo Blade