| |

Mình Học Tiếng Trung Như Thế Nào?

(Dạo này có một số người hỏi mình cách học tiếng Trung. Mặc dù mình cũng học nửa mùa thôi, nhưng cũng xin phép chia sẻ phương pháp của người già học chậm cho mọi người tham khảo).

Mình thấy ngày xưa học tiếng Anh dễ òm vì giáo trình phổ thông đã sắp xếp thứ tự từ dễ tới khó rồi, cả từ ngữ và ngữ pháp, ví dụ như các thì hiện tại, tiếp diễn, tương lai, quá khứ… (ngữ pháp). Sau một thời gian thì trình độ trong SGK không đáp ứng được nên mình chuyển sang tự học.

Đối với tiếng Trung, năm 2009 sau khi đi TQ về, mình cũng đi học trung tâm (giáo trình 301 câu đàm thoại tiếng hoa) và nghỉ giữa khóa 2 vì mất động lực và thời gian. Quá nhiều chữ viết, không theo quy tắc nào cả, 2-3 tháng mà mình chỉ học được các mẫu câu chào hỏi cơ bản quá chậm đi. Với lại mình cảm thấy học viết rất cực, nếu không sử dụng nhiều sẽ rất nhanh quên.

Bẵng đi nhiều năm, vì lại có nhu cầu du lịch TQ nên mình lại quay lại với tiếng Trung, chủ yếu mình cần giao tiếp. Năm 2019 mình có nhiều thời gian nên mình tìm các mẫu câu cơ bản và từ vựng cơ bản để đi máy bay, tàu hỏa, hỏi đường, hỏi món ăn… Năm 2019 mình đi Trung Quốc 3 lần. Ở mỗi chuyến đi mình đều cần giao tiếp với người bản địa. Sau mỗi chuyến đi thì mình đã tự tin hơn trong giao tiếp với họ đến mức nhiều người nghĩ mình là người Trung Quốc luôn. Mình tự tin hơn, và dần dần mình có động lực và tìm ra phương pháp học. Đây là thời điểm mà mình bắt đầu học tiếng Trung nhanh và hiệu quả hơn trước rất nhiều.

Bất cứ ngôn ngữ nào thì cũng có 3 phần: thanh điệu, từ ngữ, và ngữ pháp, uyển chuyển biến thành 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết.

Phương pháp: Nếu tự học bất cứ thứ tiếng nào bạn cũng nên tư duy xem nên học gì trước và sau, tự thành lập cho mình một cách học chứ đừng học vẹt theo giáo trình và thắc mắc đến khi nào thì đạt kết quả như mong muốn (mình từng như vậy khi bắt đầu với tiếng Trung năm 2009).

VD: Theo mình, nếu bạn muốn thi HSK thì bạn phải nắm xem HSK 1-9 có bao nhiêu từ vựng và bao nhiêu đề mục ngữ pháp (dù có thể bây giờ bạn chưa hiểu gì hết), cốt lõi là nắm tổng quan sau đó bạn mới chia thành chi tiết được. Nếu bạn cho tất cả vào file excel, bạn có thể chia ra được số lượng từ/mục ngữ pháp bạn phải học trong tháng hoặc ngày để đuổi kịp tốc độ và thời gian tham dự kỳ thi HSK.

Mình chỉ học với mục đích giao tiếp và đi du lịch, xem phim xem chương trình giải trí của TQ, nên cách học của mình đơn giản hơn, chủ yếu là nghe & nói, tuy nhiên mình cũng sẽ bổ sung cách học đọc & viết ở dưới nhé.

1. Học nghe & nói:
Đây là kỹ năng yếu nhất của mình trong môn tiếng Anh, vì ngày xưa không có điều kiện tiếp xúc với người bản xứ, và giáo trình ở trường học không có kiểm tra kỹ năng này. Nhưng mình nghĩ, tại sao người ta lại đặt kỹ năng này lên đầu tiên, bởi vì đó là cách học của con nít. Mọi trẻ em đều học ngôn ngữ bằng cách nghe cha mẹ nói và lặp lại những từ ngữ đầu tiên. Nên mình thấy mình cũng nên học kỹ năng nghe này một cách ngây ngô như thế, học nghe vỡ lòng mà không có áp lực gì cả, lặp lại các câu mình thấy có khả năng sẽ dùng nhiều để quen với nó. Sau đó thì mình mới nghe chương trình giải trí kết hợp xem phụ đề tiếng Việt để hiểu.

Nếu bạn nghe nhạc Trung nhiều, bạn sẽ hiểu ra là tiếng Trung không quan trọng thanh điệu như tiếng Việt. Bạn sẽ phát hiện khi nghe bài hát của họ hầu như toàn là sai thanh hết. Điểm này giống như tiếng Anh á, họ muốn đổi chỗ nào là đổi chỗ đó cho hợp với nhạc. Không như tiếng Việt của mình, hát sai thanh là nghe có vẻ không ổn liền.

Cho nên, nói tiếng Trung không khó. Lúc mình đi Trung Quốc mình nói rất bậy bạ, chắc chắn là không chuẩn thanh, nhưng họ vẫn hiểu hết. Sau này mình lặp lại cách họ nói và ngộ ra đây là cách học thanh điệu hợp lý nhất.

Bạn bắt đầu bằng học 4 thanh điệu chuẩn từ việc nghe người Trung (trên YouTube có rất nhiều, hạn chế nghe người Việt vì có thể không chuẩn). Mặc dù nói là 4 nhưng có những thanh kéo dài nên tiếng Trung thực tế cũng có 6 thanh điệu sắc huyền hỏi ngã nặng như tiếng Việt vậy. Đừng quan tâm đến các quy tắc biến điệu. VD như từ đơn giản nhất ni4 hao4, hai từ thanh 4 kế nhau là biến điệu từ trước thành thanh 2, nhưng thực ra học thuộc lòng vậy rất mệt và tốn thời gian, chỉ cần bạn nghe người Trung nói đủ nhiều bạn sẽ biết nói chữ đó là ni2 hao4. Mình không học nói theo kiểu ngồi đọc hết các thanh mẫu, vận mẫu lặp tới lặp lui cho chuẩn, mà mình nghe người Trung nói cả câu và lặp lại cả câu của họ.

2 show mà mình xem để luyện nghe nói giao tiếp thường ngày là Bố Ơi Mình Đi Đâu Thế (chương trình có các em bé tham gia nên từ ngữ câu cú khá cơ bản), và Hướng Về Cuộc Sống.

Pinyin là một phần quan trọng để nghe – nói cho chuẩn. Mình và nhiều người nước ngoài không đọc & viết sõi nhưng không gặp nhiều khó khăn ở Trung Quốc là do cách học từ pinyin này.

3. Học đọc & viết:
Mình bỏ học viết vì như mình nói ở trên, quá nhiều chữ, quá khó. Nhiều người chỉ cách học theo bộ thủ, chiết tự các kiểu, nhưng mình không có thời gian thực hành nhiều để ghi nhớ. Nếu sau này có nhu cầu thì mình sẽ dành nhiều thời gian cho nó.

Nhưng mình không bỏ đọc. Vì đọc là một thói quen tốt giúp mình ôn luyện lại từ ngữ và ngữ pháp. Đối với một câu chữ Hán, mình bỏ vào Google Translate sẽ có phiên âm Pinyin ở dưới và cả phát âm nữa (học nghe & nói). Sau đó, mình xem từ vựng và cấu trúc câu (ôn từ ngữ & ngữ pháp).

Về chữ Hán, tạm thời mình chỉ chú trọng đọc được khoảng 100 từ và động từ thường dùng nhất trong tiếng Trung. Khi xem phim và chương trình giải trí, khi thấy câu nào có vẻ thường dùng, mình cũng sẽ dừng lại để đọc phụ đề tiếng Trung.

Khi học từ, mình chú trọng Hán Việt. Nhiều sách và nhiều bạn chỉ cách học không nhắc đến phần này. Mình thấy trong nhiều nhóm học các bạn toàn hỏi cách phân biệt từ này với từ kia, mà chỉ cần dịch qua Hán Việt, áp dụng cách hiểu của người Việt mình là đã biết cách dùng từ tiếng Trung đó rồi. Đối với mình, đây là cách áp dụng và phân biệt từ vựng tiếng Trung đúng đắn nhất (vì tiếng Việt có tới 80% là từ Hán Việt). Đặc biệt là khi trình độ lên cao, bạn cần hiểu các từ người xưa từng sử dụng như vương gia, công chúa, phu quân… hoặc các thành ngữ bốn chữ như hữu danh vô thực, khuynh quốc khuynh thành, tha phương cầu thực… thì quá tiện luôn.

Bất cứ học gì cũng cần luyện tập thường xuyên để nâng cao trình độ. Hàng ngày mình thực hành bằng cách đăng các câu trích dẫn tiếng Trung bằng 3 thứ tiếng Việt, Trung (kèm phiên âm), Anh “Quote of the day” để trau dồi thêm.

Chúc bạn tìm được niềm vui trong khi học tiếng Trung nhé.

Tham khảo thêm cách mình học tiếng Anh như thế nào ở đây.

Similar Posts

2 Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *